DU LỊCH VIỆT NAM CHIÊM NGƯỠNG NHỮNG MÙA HOA ĐẸP NGỠ NGÀNG ( PHẦN 1 )

Lang thang trên những cung đường Việt Nam từ cực bắc Lũng Cú đến mũi Cà Mau, từ Đông sang Tây vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, ta cũng có thể bắt gặp những mùa hoa đẹp rực rỡ. Cùng điểm qua những mùa hoa đẹp nhất suốt 12 tháng trong năm dưới đây nhé!

 

Du lịch Việt Nam chiêm ngưỡng những mùa hoa đẹp ngỡ ngàng

THÁNG 1:

- Đào – Tây Bắc: Khi những cơn gió buốt lạnh của mùa đông đi qua và tia nắng ấm áp của mùa xuân vừa tới thì cũng là lúc những cánh hoa đào bắt đầu bung nở trên khắp các lưng núi, sườn đồi. Chính vẻ đẹp hoang dại của những cánh đào rừng đã thôi thúc biết bao đoàn phượt lên đường.

Dù khoe sắc khắp vùng cao Tây Bắc nhưng hoa đào Sa Pa vẫn được du khách háo hức nhiều hơn cả. Bởi không chỉ bông to, dày cánh, mà hoa còn bừng nở ngay cả trong trời rét buốt. Tháng 12 đến tháng 2 là thời gian hoa đào Sa Pa nở rộ. Nếu may mắn khi đến đây, bạn còn có thể ngắm tuyết rơi. Vào giữa đông, Mộc Châu còn gây cho du khách một sự bất ngờ thú vị với hoa đào Pháp nở sớm. Hoa đào Pháp có màu nhạt và ít cánh so với giống đào rừng vốn nở vào mỗi dịp tết âm lịch ở Mộc Châu. Giống đào này chính là giống đào Pháp, hay đào chín sớm của Mộc Châu, chúng thường ra hoa sớm. Giống đào mới này đã nhanh chóng hòa hợp với khí hậu và đất đai Mộc Châu, giờ nó trở thành một trong những nét lạ của vùng đất nhiều sương giăng mây phủ này.

Tuy hoa đào nở sớm không có ở nhiều nơi nhưng những cánh hoa đào phớt hồng điểm xuyết trên những cánh đồng hoa cải trắng càng làm cho vẻ đẹp của cao nguyên Mộc Châu trở nên lung linh, độc đáo. Đầu xuân, đào rừng, đào mèo bắt đầu nở hoa rực rỡ, những bản làng người Mông khu vực xã Lóng Luông đẹp như một thiên đường với sắc hồng quyến rũ.

Đào rừng Sapa.

- Mai – Tây Nam bộ: Nếu đào là hoa tiêu biểu cho Tết trên đất phương Bắc thì mai tượng trưng cho những ngày xuân ở miền Tây Nam bộ. Có dạo quanh những vựa hoa lớn của miền Tây Nam Bộ như Sa Đéc, Chợ Lách vào khoảng tháng chạp âm lịch, bạn sẽ thấy hoa mai cùng hàng trăm thứ hoa khác đang chuẩn bị cùng nhau khoác lên mình những bộ áo sặc sỡ để đón xuân.

Mai Tây Nam Bộ

 

THÁNG 2:

- Sưa – Hà Nội: Ở Hà Nội, hoa sưa không trồng trên một phố nhất định mà rải rác ở một vài con phố. Mỗi phố cũng chỉ nhiều nhất là 3 cây tạo nên vẻ đẹp độc đáo của loài hoa này. Dạo quanh những con phố Hà Nội vào khoảng cuối tháng 3 mới thấy hết vẻ đẹp của hoa sưa. Vào thời điểm đó, quanh khu vực hồ Giảng Võ, phố Phan Chu Trinh, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám hay đường Thanh Niên… đều có thể bắt gặp những chùm hoa sưa trắng muốt rộ sắc một góc trời.

Tượng đài Lê Nin.

- Mơ, Mận – Mộc Châu: Chỉ nở khoảng từ đầu tháng 2 cho đến hai – ba tuần lễ sau đó, hoa mơ, mận Tây Bắc như một thiên đường ngắn ngủi cho những kẻ thật sự yêu và muốn một lần đằm mình trong sắc trắng của hoa. Hoa mận trắng muốt, hoa mơ phớt hồng, những sắc hoa nhẹ nhàng, mỏng manh như đường gân chạy trên mỗi cánh hoa,.. tạo thành một khung cảnh thật trong trẻo và trang nhã cho vùng sơn cước này. Đẹp nhất là những cây mơ, cây mận cao chỉ qúa đầu người, cành cây đan xen vào nhau tạo thành một tấm lưới được dệt từ hàng vạn bông hoa, rồi nắng miền cao chầm chậm rơi xuống, tràn qua tấm lưới lọc từ cánh hoa màu phớt, tạo thành một khung cảnh mà chúng ta chỉ cần đi dưới đó cũng đã thấy cuộc đời này đáng sống.

Cung đường rợp sắc hoa mơ, hoa mận Mộc Châu.

 

THÁNG 3:

- Gạo – Hà Nội: Hoa gạo hay còn được biết đến với những cái tên khác như mộc miên hay pơ lang là loài hoa quen của các làng quê Bắc Bộ. Hoa gạo là thứ hoa thắp lửa đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ. Hoa gạo nở báo hiệu mùa xuân sắp hết để nhường chỗ cho những ngày hè chói chang. Hình ảnh những bông gạo đỏ rực không chỉ tạo một vẻ đẹp thanh bình mà còn có thể làm nhói lòng những người con xa quê khi nhớ về quê hương và những ký ức tuổi thơ. Hoa gạo nở báo hiệu thời điểm chuyển mùa từ xuân sang hạ, những bông hoa đỏ thắm như những đốm lửa giữa trời. Tháng ba là thời điểm hoa gạo nở rực rỡ nhất, trẩy hội chùa Hương thời điểm này du khách vừa ngồi trên thuyền trôi nhẹ trên dòng suối Yến, vừa được ngắm những tán hoa gạo hai bên bờ.

Loài hoa quen thuộc của làng quê Bắc Bộ. 

- Ban – Tây Bắc: Hằng năm, cứ vào dịp tháng 2 âm lịch, thời tiết nắng ấm, ở vùng Tây Bắc hoa ban bắt đầu nở trắng núi, trắng rừng. Hoa ban nở là báo hiệu mùa xuân. Nếu hoa nở khắp vùng, hương thơm ngan ngát là hứa hẹn một mùa mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Hoa ban có nhiều màu sắc: ban đỏ, ban tím nhưng nhiều nhất vẫn là ban trắng. Nếu đã 1 lần đến với Sơn La hay Điện Biên thì bạn không thể cưỡng lại được vẻ đẹp khi ban trắng nở rộ. Đến Mộc Châu vào dịp boa ban nở rộ, du khách còn cơ hội tham gia vào lễ hội Hết Chá của người Thái ở đây tổ chức. Hội tổ chức định kỳ hằng năm, vào khoảng 23 – 26 tháng 3.

Trên đèo Pha Đin.

- Cà Phê – Tây Nguyên: Tháng 3 là thời điểm đẹp nhất trong năm để đến vùng đất Tây Nguyên. Đây không chỉ là “mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước” mà còn là mùa hoa cà phê nở trắng xóa trên cành. Trong tiết trời se lạnh đầu mùa, những bông hoa nhỏ xinh, trắng muốt phủ kín các nương, rẫy như mang đến không khí của một “mùa xuân trắng”. Theo con đường đất đỏ bazan, hai bên ngập tràn hoa trắng, bạn sẽ cảm nhận được hương thơm cà phê thoảng thoảng quyện trong làn gió.

Cả đất trời thơm hương hoa cà phê.

 

THÁNG 4:

- Loa Kèn – Hà Nội: Tháng 4 về, lẫn với khúc hát mùa hè, là lúc những chiếc xe chất đầy loa kèn rong ruổi khắp các ngõ phố của mảnh đất Kinh kỳ. Những ngày này, dường như ai cũng muốn bớt chút vội vã, dừng lại bên gánh hàng rong, chọn mua về những đóa hoa có sắc trắng mong manh và hương thơm tinh khiết. Mùa hoa đến nhanh và đi cũng thật nhanh. Có khi người ta chưa kịp nhận ra mùa hoa đã về thì cánh hoa loa kèn đã úa tàn. Từ trong nhà ra đến ngõ phố, từ ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng cho đến ngôi biệt thự sang trọng, trên giỏ chiếc xe đạp lọc cọc đến chiếc ôtô cao cấp thanh lịch, trong những chiếc lọ bằng men sứ thông thường hay những bình pha lê đắt tiền…, loa kèn vẫn bình dị, khiêm nhường và cao quý.

Loa Kèn trắng tinh khôi.

- Đỗ Quyên – Fanxipan: Hoa đỗ quyên nở quanh năm nhưng đẹp nhất là khoảng tháng 4. Là loài cây mọc tự nhiên nhưng hoa có vẻ đẹp rực rỡ bởi bông lớn, màu sắc nổi bật và đa dạng như đỏ, hồng, vàng, trắng… Để chiêm ngưỡng loài hoa này, không đâu có thể lý tưởng hơn vườn quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai) – nơi được mệnh danh là “vương quốc hoa đỗ quyên”. Hoa nở rộ cũng là lúc tiết trời khô ráo, thuận lợi cho chuyến leo núi Fanxipan. Bởi thế, kết hợp chinh phục nóc nhà Đông Dương và ngắm đỗ quyên là lựa chọn tuyệt vời cho những người đam mê thử thách.

Đỗ Quyên đỏ một góc trời. 

- Trẩu – Tây Bắc: Những ngày tháng 4, từ Yên Bái, Lào Cai đến Tuyên Quang, Hà Giang… đâu đâu cũng trắng trời một loài hoa xinh đẹp: hoa trẩu. Loài hoa của núi rừng ấy chỉ ngập tràn khi những cơn mưa cuối xuân, đầu hạ tưới mát cả vùng núi rừng. Hoa trẩu trắng như tuyết, đậu trên những vòm lá xanh non, một vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc.

Một cung đường hoa trẩu ngát rừng.

 

THÁNG 5:

- Bằng Lăng – Hà Nội: Bằng lăng và phượng vĩ là hai thứ hoa đặc biệt của tuổi học, của mùa thi và mùa chia tay mái trường. Hai loại hoa tiếp bước nhau làm nên màu sắc của cả một mùa hạ dài. Khi sắc tím của bằng lăng dần nhạt màu theo những cơn mưa hạ thì cũng là lúc phượng vĩ bắt đầu đốt hết mình rực rỡ trong nắng hè.

Một góc bằng lăng tím biếc.

- Phượng – Hải Phòng: Không phải săn tìm vất vả như loài hoa đỗ quyên, phượng đỏ Hải Phòng giống như lời mời chào du khách ghé thăm mỗi khi hè đến. Với hàng nghìn cây phượng được trồng trên khắp các tuyến đường, thành phố như tràn ngập trong sắc đỏ của những chùm hoa nở rộ. Đến với thành phố biển, du khách còn được hòa mình vào những bãi tắm đẹp như Đồ Sơn, Cát Bà.

Đỏ rực 2 bờ sông.

- Điệp – Sài Gòn: Ít ai để ý hoa điệp bắt đầu nở từ lúc nào. Chỉ một sáng thức dậy, thấy những cánh hoa lao xao rơi rụng trước thềm, người ta chợt nhìn lên thấy cả vòm cây vàng rực rỡ. Thật ra, mùa điệp vàng thường bắt đầu rất sớm, khi những ngày lạnh đã qua trời bắt đầu ấm lại. Nhưng lúc đó chỉ vài cành lác đác lặng lẽ, êm đềm. Những cành cây quanh năm xòe bóng mát tích cóp dần nhựa sống bên trong. Khi trời xông mặt đất bằng thứ nắng vàng gay gắt như vắt đi những giọt nước cuối cùng, nhựa sống mãnh liệt bên trong đầy bức bối khiếp điệp vàng đồng loạt ra hoa. Cái nóng buổi trưa hầm hập hoa mắt của Sài Gòn dường như dịu đi bởi màu hoa điệp. Đi giữa vòm cây vàng lặng lẽ, lòng người như được bình yên.

Công viên 23/9.

- Chò Nâu – Sài Gòn: Có một mùa rất đặc biệt mà người ta còn gọi là “mùa hoa gió” ở Sài Gòn – là mùa của những cánh chò nâu nở rồi rơi. Hè đến, khi tiếng ve kêu rải rác ở đâu đó trên tán lá thì những cây chò nâu tung quả và hoa trên rất nhiều các con đường. Nhất là buổi sáng sớm, hoặc chiều tà, từng cơn gió cuốn hàng ngàn cánh nâu đỏ xoay tít như chong chóng trước khi chạm đất. Chò nâu rơi đầy tạo nên những cơn mưa màu nâu miên man theo làn gió mát nhẹ, rơi vô tình lên người những người đi đường mang cảm giác bỡ ngỡ khi ngoái đầu nhìn theo từng nhịp cánh xoay đều, nhiều người đi bộ vô tình giẫm đạp lên chúng tạo nên những âm thanh giòn giòn là lạ.

Những cánh chò nâu rơi đầy phố.

 

THÁNG 6:

- Sen – Hà Nội: Tháng sáu, trong đầm gì đẹp bằng sen. Từ 4h30 sáng, những người đi hái sen đã khéo léo lách thuyền trong hồ. Những bông hoa sen to và hé nụ sẽ được hái đem về. Những bông hoa mới hái một phần sẽ được bó lại và bán cho những người đến mua hoa sớm, phần còn lại sẽ được ủ với chè tươi. Số khác sẽ được tách chỉ lấy nhụy hoa để ướp trà. Trong chiếc lán ven hồ, những cánh sen mỏng manh tỏa hương thơm dìu dịu. Sáng sớm mùa hè, hãy đến với hồ sen, để thưởng hương sen, pha ấm trà sen thơm ngọt giọng và ngắm một Hồ Tây lao xao gió yên bình.

Sen Hồ Tây

 

Xem thêm Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp những mùa hoa Việt Nam (Phần 2)

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận