CỐ CUNG ( TỬ CẤM THÁNH ) - BẮC KINH, TRUNG QUỐC

Cố Cung (còn gọi là Tử cấm Thành) nằm ngay giữa trung tâm thành phố Bắc Kinh, là cung điện của các triều đại từ giữa nhà Minh đến cuối nhà Thanh, Trung Quốc. Cố Cung Bắc Kinh là viên ngọc trong các kiến trúc cung đình của Trung Quốc, là cụm kiến trúc kết cấu bằng gỗ có quy mô lớn nhất và nguyên vẹn nhất trên thế giới.

 

Cố Cung do Chu Đệ, đời vua thứ hai nhà Minh ra lệnh xây dựng vào năm 1406 và kéo dài suốt 14 năm mới hoàn thành. Trong gần 500 năm lịch sử, cho đến khi triều đình nhà Thanh bị lật đổ, tổng cộng có 24 đời vua từng sống và xử lý quốc sự tại đây. Quy mô to lớn, phong cách đẹp mắt, kiến trúc hoành tráng...của Cố Cung đều thuộc loại hiếm có trên thế giới. Diện tích Cố Cung hơn 20.000m2, chiều dài Nam - Bắc gần 1.000m, chiều Đông - Tây rộng 800m, xung quanh có tường thành cao hơn 10m bao bọc, bên ngoài bức tường có sông hộ thành rộng hơn 50m.

 

Tổng công trình sư xây dựng Tử Cấm Thành là Nguyễn An (sinh năm 1381), người Hà Đông, bị quân Minh bắt sang Trung Quốc sau khi nước Đại Ngu bị quân Minh xâm lược.

 

Cố Cung được xây dựng theo trật tự lễ giáo, quy phạm chính trị và tinh thần luân lý của các vương triều phong kiến Trung Quốc. Bố cục chỉnh thể cũng như quy mô, hình dáng, màu sắc trang trí và trưng bày của Cố Cung đều thể hiện quyền vua tối cao và đẳng cấp nghiêm ngặt. Ba ngôi điện lớn trong Cố Cung thu hút sự chú ý của du khách nhất là: Điện Thái Hoà, Điện Trung Hòa và Điện Bảo Hoà. Đây là những ngôi điện chính của các nhà vua thi hành quyền lực thống trị và tổ chức các nghi lễ long trọng.

 

Điện Thái Hoà là kiến trúc tráng lệ nhất trong Cố Cung. Trên quảng trường hướng Nam rộng 30.000m2, Điện Thái Hoà được xây trên các bậc thang màu trắng cao 8m, chiều cao của điện gần 40m, là kiến trúc cao nhất trong Cố Cung. Trong nền văn hóa Trung Quốc, rồng tiêu biểu cho quyền vua, nhà vua được coi là “chân long thiên tử”, các vật trang trí trong điện Thái Hoà đều sử dụng nhiều hình tượng của rồng, phía trên bên dưới có tới gần 13 nghìn hình tượng con rồng...

 

Vì là Hoàng cung nên Cố Cung còn lưu trữ rất nhiều văn vật quý hiếm. Theo thống kê, có tới hàng triệu văn vật còn lưu giữ, chiếm một phần sáu tổng số văn vật của cả Trung Quốc, trong đó có rất nhiều quốc báu có một không hai. Những năm 80 của thế kỷ trước, chính phủ Trung Quốc đã cho xây hơn 100 gian nhà kho ngầm, phần lớn văn vật được cất giữ ở bên dưới “địa cung” này.

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận