NHỮNG LỄ HỘI TIÊU BIỂU CỦA CÁC VÙNG, MIỀN Ở NƯỚC TA ( P1)

Lễ hội cổ truyền ở nước ta rất đa dạng, phong phú và trải rộng khắp đất nước. Tại mỗi vùng miền, lễ hội tuy mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, nhưng bao giờ cũng hướng tới một đối tượng tâm linh cần được suy tôn, như: Những vị anh hùng chống ngoại xâm, những người có công trong việc dạy dỗ hay truyền nghề hoặc những người có nhiều công lao đóng góp cho việc chống thiên tai, diệt trừ ác thú, giàu lòng cứu nhân độ thế… Chính vì thế, lễ hội truyền thống là dịp để con người giao lưu cộng cảm, trao truyền những đạo lý, tình cảm, mỹ tục và những khát vọng cao đẹp. Đồng thời, những lễ hội truyền thống cũng là dịp mang lại cho con người sự thanh thản nơi tâm linh, gạt bỏ hay quên đi những lo toan thường nhật để về với cội nguồn, về với thiên nhiên. Và mặc dù lễ hội truyền thống ở nước ta diễn ra trong cả bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, nhưng mùa Xuân vẫn là mùa diễn ra nhiều lễ hội nhất. Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc về những lễ hội tiêu biểu và đặc sắc của một số vùng miền ở nước ta đã, đang và sắp diễn ra.

Những lễ hội tiêu biểu ở vùng Tây Bắc và Việt Bắc:

* Lễ hội Lồng Tồng: Là một lễ hội truyền thống đặc trưng của cộng đồng người Tày. Lễ hội này được tổ chức hàng năm vào tháng Giêng, tháng Hai âm lịch theo từng địa phương, mang ý nghĩa cầu phúc, cầu mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên, no ấm. Trong lễ hội thường diễn ra các trò chơi dân gian cổ truyền, như: Ném còn, bịt mắt bắt dê, hát lượn….



Lễ hội Lồng Tồng

* Lễ hội cầu an bản Mường: Đây là lễ hội của đồng bào dân tộc Thái ở Mai Châu, Thuận Châu, Mộc Châu và đồng bào dân tộc Mường. Đây là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng rất quan trọng đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc. Lễ hội được tổ chức vào cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai âm lịch hằng năm. Lễ hội này được gắn với tục giết trâu và tạ thần linh được thể hiện qua hình tượng thủy thần, thuồng luồng… Nội dung của lễ hội có nhiều hoạt động liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh, mùa màng, sức khỏe và sự làm ăn của cả cộng đồng trong năm diễn ra lễ hội. Chính vì thế mà lễ hội này được tổ chức rất trọng thể, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng.

Lễ hội cầu an

* Lễ hội hoa ban: Đây là lễ hội của đồng bào dân tộc Thái và lễ hội này còn có tên gọi khác là hội Xên bản, Xên mường. Lễ hội thường được tổ chức vào tháng Hai âm lịch, khi hoa ban nở trắng núi rừng Tây Bắc. Hội hoa ban là ngày hội của tình yêu đôi lứa; ngày hội của hạnh phúc gia đình; hội cầu mùa, no ấm nơi bản mường, đồng thời cũng là dịp thi tài, vui chơi, hát giao duyên trong những đêm trăng sáng….

Lễ hội hoa ban

 

Vùng châu thổ Bắc Bộ:

* Lễ hội Chùa Hương ( 15/2 ) : Lễ hội này kéo dài từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch (chính hội là ngày 15 tháng Hai). Hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội). Đây cũng là lệ hội có thời gian mở hội dài nhất so với các lễ hội khác ở nước ta. Theo tâm thức của người Việt xưa, Hương Sơn được coi là là cõi Phật và Chùa Hương là nơi thờ Phật Bà Quan Am. Khác với các lễ hội khác, lễ hội Chùa Hương là một lễ hội độc đáo. Phần lễ ở Chùa Hương là lễ Phật, phần hội ở Chùa Hương là sự có mặt của du khách hành hương về đất Phật. Trong dịp lễ hội, hàng chục vạn người đến viếng thăm cảnh núi non, hang động và cầu may, cầu phúc tại các ngôi chùa…

Lễ hội Chùa Hương

* Lễ hội đền Hùng (10/3 âm lịch) : Đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, là nơi hằng năm diễn ra lễ hội mang tính chất quốc gia để suy tôn các vua Hùng đã có công dựng nước. Lễ hội đền Hùng kéo dài từ ngày mùng 8 đến 11 tháng Ba âm lịch. Việc tế lễ được tổ chức rất trọng thể vào ngày chính hội (mùng 10 tháng Ba). Lễ vật dâng cúng là “lễ tam sinh” (gồm: một con lợn, một con dê, một con bò), bánh chưng, bánh dày và mâm xôi to nhiều màu. Sau khi một hồi trống vang lên, các vị chức sắc vào tế lễ dưới sự điều khiển của chủ lễ. Tiếp theo đó là các vị bô lão của các làng, xã sở tại quanh đền Hùng vào tế lễ. Sau cùng là nhân dân và du khách hành hương vào tế lễ trong các đền thờ tưởng niệm các vua Hùng. Sau phần lễ là đến phần hội. Ở lễ hội đền Hùng năm nào cũng tổ chức cuộc thi kiệu của các làng xung quanh. Mỗi năm, đám rước kiệu có ba cỗ kiệu đi liền nhau. Cỗ kiệu đi đầu bày hương hoa, đèn, nhang, trầu cau, chỏe nước và bầu rượu. Cỗ kiệu thứ hai có đặt hương án, bài vị của thánh, có lộng và quạt với nhiều màu sắc trang hoàng tôn nghiêm. Cỗ thứ ba rước bánh chưng và bánh dày, một cái thủ lợn luộc để nguyên.

Trong lễ hội đền Hùng có tiến hành nghi lễ hát thờ (tục gọi là hát Xoan), đây là một lễ thức rất quan trọng và độc đáo. Dân gian truyền rằng xưa kia hát Xoan gọi là hát Xuân và điệu múa hát Xoan có từ thời Hùng Vương và được lưu truyền rộng rãi trong dân cư của các làng, xã quanh vùng. Ở đền Hạ có hát ca trù (gọi là hát nhà tơ, hát ả đào). Xung quanh khu vực dưới chân núi Hùng là các trò diễn và trò chơi dân gian cổ truyền được nhiều người tham dự, như: trò chơi ném côn, chơi đu, đấu vật, chọi gà, đánh cờ người… Ngày nay, giỗ tổ Hùng Vương được coi là ngày lễ lớn của dân tộc, ngày toán dân hướng về cội nguồn.

Lễ hội Đền Hùng

* Lễ hội Gióng (9/4 âm lịch): Lễ hội diễn ra tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất ở đồng bằng bắc Bộ. Chính hội vào ngày 9 tháng Tư âm lịch hằng năm (ngày ông Gióng thắng giặc An) để tưởng niệm và nhớ ơn người anh hùng làng Gióng đã có công đánh giặc cứu nước. Công việc chuẩn bị cho lễ hội được bắt đầu từ ngày 1-3 đến ngày 5-4 âm lịch, với các việc tập dợt chuẩn bị cho ngày chính hội. Ngày 9-4 có lễ rước từ đền Mẫu đến đền Thượng. Múa hát thờ, hội trận (diễn lại trận đánh thắng giặc An). Cuối cùng là việc khao quân và đêm đến có hát chèo. Ngày 10-4 là ngày vãn hội, làm lễ duyệt quân, lễ tạ ơn Thánh Gióng.

Lễ hội Gióng

* Lễ hội gò Đống Đa ( Mùng 5 Tết Nguyên Đán ): Lễ hội gò Đống Đa, thuộc quận Đống Đa, Hà Nội diễn ra hằng năm vào ngày mùng 5 Tết Nguyên đán. Đây là lễ hội chiến thắng được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Lễ hội thường được tổ chức từ sáng sớm ngày mùng 5 Tết, sau những hội trống, chiêng báo hiệu bắt đầu cuộc rước thần chiến thắng, tượng trưng biểu dương khí thế quân Tây Sơn, từ đình làng Khương Thượng về gò Đống Đa. Tham gia cuộc rước có thanh niên các làng: Khương Thương, Thịnh Hào… ăn mặc theo lễ phục hội, đi sau là cơ, biểu, lộng kiệu… và cuối đoàn rước là hình tượng “con rồng lửa” kết bằng rơm. Chùa Đống Quang đối diện với gò Đống Đa là nơi diễn ra lễ cầu siêu, dâng hương tưởng nhớ công ơn của những anh hùng, nghĩa sĩ đã hết lòng vì dân, vì nước. Sau phần nghi lễ là các trò chơi dân gian vui khỏe, đua tài, đua trí như: Múa rồng, múa lân, đấu vật, chơi cờ, chọi gà…

Lễ hội Gò Đống Đa

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

  1. Gosto de histórias que surpreendem... que mexem com as emoções, aquelas que em uma página estamos chorando, e na outra já damos aquele sorriso bobo... Já li muitas críticas boas do livro, e pela sua resenha, acho que não irei me arrepender em ler "A Culpa é das Esrealts"...:D

Viết Bình luận