NHỮNG LỄ HỘI TIÊU BIỂU CỦA CÁC VÙNG, MIỀN Ở NƯỚC TA ( P2)

 Những lễ hội tiêu biểu ở vùng Trung bộ

* Lễ hội cầu Ngư (12/1 âm lịch) : Đây là lễ hội của nhân dân làng Thái Dương hạ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lễ hội được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch hằng năm, để tưởng nhớ vị thành hoàng của làng là Trương Quý Công (biệt danh của Trương Thiều), người gốc Thanh Hoá có công dạy cho dân nghèo đánh cá và buôn bán ghe mành. Thường cứ ba năm một lần, làng tổ chức đại lễ rất linh đình, có tổ chức các trò mô tả những sinh hoạt của nghề đánh cá, trong đó có “bủa lưới” mang ý nghĩa trình nghề, khắc họa đậm nét ghi lễ dân gian của cư dân vùng ven biển.

Lễ hội cầu ngưu

* Lễ hội Lam Kinh (22/8 âm lịch) : Lễ hội Lam Kinh diễn ra tại khu di tích Lam Kinh thuộc địa bàn xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đây cũng là quê hương của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi và nhiều danh tướng nổi tiếng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, như: Lê Lai, Lê Thạch, Lê Khôi. Đặc biệt, Lam Kinh còn là khu di tích có quy mô lớn về các đời vua, hoàng tộc của nhà hậu Lê và các danh tướng đương thời.


Lễ hội Lam Kinh
 

Hằng năm cứ vào ngày 22 tháng 8 âm lịch, nhân dân khắc các vùng ở miền Bắc lại nô nức kéo về điện Lam Kinh để dự lễ tưởng niệm Lê Lợi và các danh tướng nhà Lê đã có công lao to lớn trong việc đánh tan quân Minh xâm lược, giành độc lập cho dân tộc và xây dựng đất nước phồn vinh. Trong lễ hội, nghi thức rước kiệu từ lăng vua Lê Thái Tổ về đền thờ được tổ chức rất trang trọng. Sau phần lễ dâng hương tưởng niệm, khách trẩy hội có dịp thăm quan quần thể di tích Lam Kinh, được xem các điệu múa, các trò chơi dân gian truyền thống đặc sắc, như: Múa Xuân Phả, trò Bình Ngô phá trận…

* Lễ hội Dinh Thầy - Thím (14 - 16/9 âm lịch) : Lễ hội Dinh Thầy - Thím đã từ lâu trở thành một nét văn hóa đặc sắc riêng có của Bình Thuận. Hằng năm, cứ vào ngày 14 đến 16 tháng 9 âm lịch, tại khu di tích lịch sử - văn hóa Dinh Thầy - Thím ở xã tân Tiến, thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận lại diễn ra lễ hội lớn nhân ngày giỗ của Thầy - Thím. Vào dịp lễ hội, rất đông người dân địa phương và du khách đến Dinh để cầu nguyện sức khỏe, hạnh phúc cho gia đình và cho công việc làm ăn của mình được thuận lợi. Tại lễ hội, ngoài các nghi lễ xưa vẫn được bảo tồn, thì trong phần hội có rất nhiều trò chơi dân gian thu hút đông đảo du khách cùng tham gia, như: Chèo Bả Trạo, diễn xướng tích Thầy, biểu diễn võ thuật, thi lắc thúng, gánh cá đi bộ, kéo co, múa lân, múa rồng… đã tạo nên không khí lễ hội vô cùng sôi động.

Lễ hội dinh Thầy - Thím

* Lễ hội Katê : Đây là lễ hội lớn nhất, đông vui nhất ở vùng Ninh Thuận và Bình Thuận, nơi có đông đồng bào dân tộc Chăm sinh sống. Lễ hội Katê (còn gọi là lễ tưởng niệm đấng cha) diễn ra tại tháp Pôklông Garai (Ninh Thuận), hoặc các tháp Chàm khác vào ngày 1-7 Chăm lịch (khoảng từ 25-9 đến 5-10 Dương lịch) hằng năm. Lễ hội tưởng niệm các vị anh hùng dân tộc, tổ tiên, ông bà cùng các vị thần linh và vua Pôklông Garai, vua Prôme. Trong những ngày diễn ra lễ hội, nhân dân ở các vùng lân cận cùng nhau tụ tập lên tháp làm lễ. Nghi lễ được tiến hành đơn giản. Sau khi các thầy coi về đạo giáo, thầy cúng làm lễ cúng tế ở ngoài sân xong thì vào tháp, chứng kiến bà bóng và thầy cúng tắm rửa và thay áo cho vua Pôklông Garai (tượng đá), đọc kinh và hát những bài hát dân ca. Kết thúc nghi lễ bằng điệu múa thiêng liêng của bà bóng trong tháp. Bên ngoài là chương trình ca nhạc đặc sắc do người Chăm biểu diễn.


Lễ hội Katê 

 

Những lễ hội tiêu biểu ở vùng Tây nguyên và Nam bộ

* Lễ cơm mới: Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây nguyên, trong các thần (Yang) được tôn thờ, thì thần lúa được tôn trọng không kém thần nước, thần núi, thần rừng, thần cây. Hằng năm, sau khi thu hoạch, người ta lại tổ chức lẽ ăn cơm mới, vừa là để tạ ơn thần, vừa để vui mừng chung hưởng kết qủa của một quá trình vất vả. Ở người Mạ, lễ mừng thu hoạch xong (NhuRhe) là lễ hội lớn nhất trong năm ở trong buôn và lễ hội này thường kéo dài 7 ngày. Trong khi đó, lễ ăn cơm mới (Samơk) của người Bana diễn ra trong ba ngày, khi bắt đầu thu hoạch và tiếp đến có lễ Sơmắh Kek cho đến khi gặt lúa đại trà. Và cuối cùng là lễ đóng cửa kho (Sơmăh Teng Amăng).

Lễ cơm mới

* Hội đua voi: Hội đua voi được tổ chức hằng năm vào tháng Ba âm lịch, thường diễn ra ở Buôn Đôn hoặc ở nhưng cánh rừng thưa nằm ven dòng sông Sêvepốc (ở Đắk Lắk). Trước khi vào cuộc đua, một tiếng tù và vút lên, theo lệnh điều khiển của người trong ban tổ chức hội, từng tốp voi được nhưng người quản tượng điều khiển đứng vào vị trí xuất phát. Khi có lệnh xuất phát thì những chú voi thi nhau phóng về phía trước, tiếng chiêng, trống, tiến hò reo cổ vũ ầm vang cả núi rừng.

Lễ đua voi

* Lễ hội đâm trâu: Đây là một lễ hội khá phổ biến của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây nguyên và ở phía Bắc của vùng Đông Nam bộ. Lễ đâm trâu thường diễn ra vào những lúc nông nhàn, mọi người nghỉ ngơi để chuẩn bị cho một mùa rẫy mới, vào khoảng tháng Ba hoặc tháng Tư âm lịch. Đối với đồng bào các dân tộc ở tây Nguyên, con trâu là biểu tượng cho sự thịnh vượng và sức mạnh trong cộng đồng. Vì vậy, con trâu thường được sử dụng làm vật tế thần linh. Đầu trâu là lễ tế quan trọng nhất trong tất cả các buổi tế lễ của người dân Tây nguyên. Sau các nghi thức cúng thần linh, con trâu được dắt ra cột ở gốc cây nêu giữa sân, người già, trẻ em và trai gái trong bản cùng nhau nhảy múa trong tiếng nhạc của cồng, chiêng. Sau đó, một đội đâm trâu gồm những chàng trai trẻ, khỏe được trang bị giáo, mác và nghi thức đâm trâu diễn ra. Thịt trâu được người dân trong buôn, sóc chia nhau ăn mừng.

* Lễ hội Dinh Cô (10-12/2 âm lịch) : Dinh Cô là một khu đền có kiến trúc khá hoành tráng, với những nét kiến trúc truyền thống, nằm bên bờ biển Long Hải, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dinh Cô là nơi thờ một cô gái giàu lòng nhân ái, nhưng đã bị nạn sau một lần đi biển. Hằng năm, lễ hội Dinh Cô được ngư dân vùng Long Hải tổ chức rất long trọng theo nghi thức cổ truyền. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày, từ 10 đến 12 tháng Hai âm lịch. Các vị cao niên mặc lễ phục trang nghiêm là những người chủ lễ với những lời cầu nguyện cho gió thuận, mưa hòa, quốc thái dân an và sau đó là lễ nghinh Cô ngoài biển với những thuyền hoa lộng lẫy.

Lễ hội Dinh Cô

* Lễ hội Bà Chúa Xứ ( 23-27/4 âm lịch) : Đây là lễ hội dân gian lớn nhất ở nam Bộ. Lễ hội được tổ chức hàng năm và bắt đầu từ đêm ngày 23 đến 27 tháng Tư âm lịch tại miếu Bà Chúa xứ ở núi Sam, tỉnh An Giang. Trong những ngày lễ còn diễn ra các hoạt động văn hóa như múa bóng, hát bội… Từ đêm ngày 23, mọi người đã tập trung về miếu để xem nghi thức tắm Bà. Tượng Bà được đưa xuống và dùng nước mưa pha với nước hoa để tắm. Lễ vía Bà hằng năm thu hút rất đông du khách thập phương, vừa để tham dự lễ hội dân gian, vừa để xin cầu tài, cầu lộc, đồng thời còn để du ngoạn, chiêm ngưỡng cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp ở núi Sam và các di tích lịch sử, như: Lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Tây An…

Lễ hội Bà Chúa Xứ

* Lễ hội Ok Om Bok: Lễ hội Ok Om Bok (còn có tên khác là lễ cúng Trăng. Vì lễ được tổ chức vào đúng hôm trăng rằm và được bắt đầu từ khi trăng lên) của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ sinh sống ở các tỉnh: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long… Xuất phát từ tín ngưỡng dân gian cho rằng mặt trăng là thần bảo vệ mùa màng, nên người Khmer cứ đến rằm tháng 10 âm lịch hằng năm là tổ chức lễ hội Ok Om Bok để tỏ lòng biết ơn Mặt Trăng - vị thần đã phù hộ cho mưa thuận, gió hòa và được mùa bội thu… cũng theo phong tục của đồng bào Khmer, tiếp theo đêm lễ cúng Trăng, sáng hôm sau là hội đua nge ngo. Đây là sinh hoạt văn hóa, thể thao thu hút hàng chục vạn người tham gia hưởng ứng. Nge ngo, tiếng Khmer là “tuk ngo”, một loại thuyền độc mộc lớn khoét từ thân cây gỗ tốt, hình thoi, dài, mũi và lái đều cong và được trang trí màu sắc sặc sỡ, do thanh niên từ các phum, sóc tham gia đua tài. 

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận