RONG RUỔI TÂY BẮC, ĐUỔI THEO MÙA VÀNG

Bạn chớ vội nghĩ ruộng bậc thang thì ở đâu cũng giống nhau nhé! Tuy đều trải dài một màu vàng mướt mắt, nhưng mỗi danh thắng lại mang cho mình một vẻ đẹp riêng rất đặc trưng, có một không hai, không thể lẫn lộn được. Sa Pa thì nổi tiếng bởi phong cảnh thiên nhiên còn rất nguyên sơ với những thửa ruộng bậc thang đẹp thoai thoải, ôm ấp lấy các bản làng xung quanh, điều này có thể thấy rõ ở thung lũng Tả Van. Ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải thì quyến rũ bởi những hình thù đặc biệt như hình mâm xôi, đế giày, lại có những thửa ruộng như sóng lượn lên đến tận đỉnh núi… Còn ở Hoàng Su Phì, những khoảng ruộng bậc thang cao hơn, đều hơn, tạo cảm giác như những khối vàng chảy tràn khắp vùng núi, vô cùng hút mắt…

Ruộng bậc thang ở Sa Pa

Ruộng bậc thang mâm xôi ở Mù Cang Chải

Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì

          Huyền sử vùng Tây Bắc kể rằng, cách đây khoảng 4 thế kỷ, những tộc người như Mông, Dao, La Chí... di cư đến vùng Tây Bắc để khai khẩn và định cư, nhưng lúc đó bốn thung lũng lớn của vùng Tây Bắc là Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Yên Bái), Mường Than (Lai Châu), Mường Tấc (Sơn La) đã có những tộc người bản địa là Thái, La Ha sinh sống. Vì thế, họ phải chọn những dải núi như Khau Phạ (Mù Cang Chải - Yên Bái), Hoàng Liên Sơn (Sa Pa – Lào Cai) và Tây Côn Lĩnh (Hoàng Su Phì - Hà Giang), những nơi có độ cao từ 1000 – 1600m so với mực nước biển để dựng bản, lập mường. Để đảm bảo đời sống, những tộc người này đã phải chọn hình thức canh tác trên những quả núi đất có độ dốc cao để lấy lương thực. Sau này, họ khai khẩn ruộng bậc thang lên cao dần trên đỉnh núi, hình thành nên những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ như ngày nay. Công việc khai khẩn được nối tiếp từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên các triền ruộng tựa như những bức tranh nghệ thuật hoành tráng “treo” trên các sườn núi.

Vẻ đẹp khó cưỡng của ruộng bậc thang Tây Bắc

          Ở mỗi địa danh, ruộng bậc thang lại đi liền với những tín ngưỡng văn hóa khác nhau mà càng tìm hiểu thì bạn sẽ càng cảm thấy thú vị. Đến với Tây Bắc mùa lúa chín, bạn có cơ hội tham gia vào những lễ hội mùa lúa chín như lễ Cúng hồn lúa của đồng bào dân tộc Dao đỏ ở Hoàng Su Phì, nghe người dân kể về chuyện thờ cúng thần ruộng và thần mó nước trong ngày Tết của dân tộc Mông tại Mù Cang Chải… Đối với đồng bào miền cao, không chỉ đơn giản là tạo ra thóc lúa nuôi sống mọi người, ruộng bậc thang còn là bản sắc độc đáo của những dân tộc ít người nơi đây.

 

          Để ngắm được trọn vẹn vẻ đẹp của các địa danh kể trên, bạn cần phải sắp xếp thời gian hợp lý để “bắt trúng” mùa vàng ở mỗi nơi, bởi không phải ở đâu lúa cũng chín vào cùng một thời điểm, và khoảng thời gian từ lúc lúa chín cho đến lúc đồng bào gặt hái là rất ngắn ngủi. HanoiRedtours xin đưa ra cho bạn một số lời khuyên, được đúc kết từ kinh nghiệm của chúng tôi, để bạn tham khảo và lên được cho mình một lịch trình “đuổi theo mùa vàng Tây Bắc” phù hợp nhất.

LỊCH LÚA CHÍN TẠI TỪNG ĐỊA DANH:

- Sapa: Từ cuối tháng 8 cho tới khoảng 20/9 
- Mù Cang Chải: từ 20/9 - 10/10
- Hoàng Su Phì: từ 1/10 - 25/10

GỢI Ý CÁC ĐỊA ĐIỂM NGẮM LÚA CỦA TỪNG VÙNG:
- Sapa: Tả Van, Thung lũng mường hoa, Tả Giàng Phình,...
- Mù Cang Chải: Tú Lệ (Lìm Thái, Lìm Mông), đèo Khau Phạ, Ngã Ba Kim, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, Lào Thua Chải,..
- Hoàng Su Phì: Bản Luốc, Thông Nguyên, Bản Phùng, ...

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận